Xanh ngát Đồng Râm

Thứ sáu - 18/06/2021 21:11
Nơi góc núi, những cư dân Cơ Tu, Tày, Nùng, Thổ… vẫn sống hòa thuận, đùm bọc nhau vượt qua bao gian khó cuộc đời. Khi khoảng cách không còn là “rào cản”, với họ, Đồng Râm (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) bây giờ đã trở thành bản quán.
Xanh ngát Đồng Râm

Nắng vừa lên. Trên những khóm cây dọc theo con đường xuyên núi về Đồng Râm, tiếng chim lảnh lót vang rừng. Những cánh đồng lúa nước xanh mởn, mở ra khung cảnh thanh bình của một vùng quê. Ông Hoàng Văn Ru - Trưởng thôn Đồng Râm nói với chúng tôi, rằng sau hơn 30 năm chung sống, đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Cơ Tu, Kinh, Thổ, Tà Riềng… ở Đồng Râm luôn đoàn kết một lòng, cùng sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Không ai phân biệt ai, họ cùng làm chung ruộng, chung rẫy, chung máng nước và cùng chung tinh thần cho công cuộc xây dựng làng bản, xây dựng đời sống văn hóa nơi vùng đất ngụ cư này.

Làng Tày giữa Đồng Râm

Tôi dừng chân trên chiếc cầu bê tông mới, nơi ngã ba con suối nhỏ giữa Đồng Râm. Có tiếng đàn tính vọng đưa theo làn gió mát, với những thanh âm trầm bổng, lay động lòng người. Cụ Lý Kim Xuyến, một nghệ nhân người Tày ở Đồng Râm, mê mẩn thả hồn theo tiếng nhạc, cùng điệu phong slư và câu hát then truyền thống. Cụ Xuyến vừa trở về sau buổi lên rẫy cao su, giữa phút nghỉ ngơi, bèn lấy ra từ trong tủ cây đàn tính, gãy lên “một khúc tâm tình”. Cụ nói, tròn 30 năm di cư về vùng đất này, nhưng văn hóa Tày vẫn nguyên vẹn trong từng nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào mình. Để họ thấy ấm lòng, rằng quê xứ vẫn chưa bao giờ xa cách. Đó cũng là phút giây để họ trải lòng, để vơi đi bao nỗi niềm cuộc sống và để những giá trị văn hóa cha ông không “bị tắc” giữa dòng theo nhịp sống mới.

Gần 100 hộ với hơn 380 nhân khẩu, chủ yếu là người Cơ Tu và Tày. Sống chung, nên ai cũng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng ai phân biệt ai hết, đều là đồng bào mình cả”.(Trưởng thôn Đồng Râm Hoàng Văn Ru)

Điệu phong slư lại vang, réo rắt theo âm phách của nhịp đàn. Những ngón tay điêu luyện của cụ Xuyến cứ rung liên hồi, cảm giác như có sức hút gì đó kỳ lạ. Tôi đăm chiêu nhìn cụ, người đàn ông trước mặt, mà ngỡ như đang lạc ở một nơi nào đó xa xôi, giữa tận vùng biên Tây Bắc. Vợ cụ ngồi bên, cười tủm tỉm, bảo cứ rảnh rang lúc nào cũng lấy đàn gẩy lúc đó, quen rồi. Mà hình như, người Tày ở Đồng Râm nào cũng thế. Không đánh đàn tính, hát then, lại bày trò lày cỏ (đối đáp nhau như kiểu oản tù tì). Họ vui, càng khiến tình nghĩa anh em đồng hương, họ tộc thêm bền chặt ở nơi vùng đất chỉ chừng hơn 40 hộ người Tày sinh sống ở Đồng Râm này.

Hồi mới chuyển về Đồng Râm, từ vùng núi Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng), cụ Xuyến nói, như một cuộc di cư đi tìm miền đất hứa. Ngày trước, sau cuộc trở về từ chiến trường miền Nam, nhiều thanh niên ở Trùng Khánh “rủ” nhau tìm lại miền đất nơi con sông Giằng thơ mộng để lập nghiệp. Nơi Đồng Râm này, lúc ấy, vẫn chỉ là mảnh đất hoang vu giữa rặng núi, nhưng không hiểu sao các cụ lại yêu thích, rồi di cư sinh sống. Người này “mách” người kia, cứ thế, dần dà, một “làng Tày” đã được hình thành trên quê hương núi rừng xanh thẳm Nam Giang này. Ông Hoàng Văn Tướng, một người Tày ở Đồng Râm lấy ra vài gói bánh khảo truyền thống, mời chúng tôi. Chiếc bánh được gói đẹp mắt bởi một lớp bọc đủ sắc màu, đựng đầy trong chiếc ăn làm (giỏ đựng thức ăn) được đan bởi lớp mây lạ mắt. Bánh khảo có mùi vị tựa bánh in, là sản vật không thể thiếu trong ngày tết cổ truyền. Ông Tướng nói, ngày tết, bây giờ không còn nghèo khổ như trước, nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, cứ đã là người Tày, trên mâm ngũ tự, không thể thiếu mâm bánh khảo. Đó là phong tục, được bà con gìn giữ suốt gần nửa thế kỷ xa xứ cội nguồn. 

Anh em một nhà

Nắng hắt nhẹ bên khung cửa sổ. Nhìn ra ngoài kia, những đứa trẻ Đồng Râm tíu tít theo chân cô giáo bước vào lớp học. Một điểm trường làng được xây dựng cách đây vài năm bên tuyến đường bê tông mới. Chúng tôi đi theo Trưởng thôn Hoàng Văn Ru dọc trên các bờ ruộng, nơi có những đám lúa xanh mởn trải rộng bên chân núi, tha hồ hít không khí trong lành. Những tầng lớp ruộng lúa nước xếp thành hình bậc thang, róc rách theo giọt nước dẫn vào cánh đồng. Trương thôn Ru nói, là ruộng lúa chung của làng. Rồi ông nhẩm tính, có đến 7 dân tộc anh em cùng chung sống ở vùng đất này, từ Cơ Tu, Tày, Nùng, Kinh, Thổ, cho đến Ve, Tà Riềng, xen kẽ dọc theo cụm dân cư mới.

Cụ Lý Kim Xuyến thả hồn với cây đàn tính cùng điệu hát lượn, hát then của người Tày. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Cụ Lý Kim Xuyến thả hồn với cây đàn tính cùng điệu hát lượn, hát then của người Tày. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Gần 100 hộ với hơn 380 nhân khẩu, chủ yếu là người Cơ Tu và Tày. Sống chung, nên ai cũng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng ai phân biệt ai hết, đều là đồng bào mình cả” - ông Ru cười hiền, rồi chỉ tay lên cánh rừng cao su phía trước, nói năm nào cũng nhờ mô hình “đổi công, góp sức” mà xanh tươi. Từ nhà này sang nhà khác, ai cần việc gì, cũng đều được dân làng giúp. Bởi thế, ở Đồng Râm sức mạnh cộng đồng luôn được đề cao, tạo nên nét đẹp trong mối tình đoàn kết bền chặt giữa đồng bào các dân tộc Kinh, Cơ Tu, Tày, Nùng… nơi thung lũng dưới rặng núi trập trùng.

Vọng theo chiều gió, tiếng của những người làng rộn rã nơi góc rừng. Trưởng thôn Ru nói, họ vừa trở về sau buổi giúp một hộ dân trong thôn vận chuyển gỗ nhà. Công việc này, ở Đồng Râm diễn ra như cơm bữa. Từ vận chuyển gỗ, san lấp nền nhà, cho đến hỗ trợ ngày công làm rẫy, làm ruộng, đưa nước sạch về làng... Riết rồi thành quen. Người Đồng Râm xem đó như một công việc thường ngày. Nhà nào có cưới, có tang, có công việc gì cần thiết, chỉ cần “đánh tiếng” với trưởng thôn, là nhận được sự giúp sức của dân làng. Hoặc có khi chỉ cần biết công việc, họ sẵn sàng đến nhà hàng xóm để hỗ trợ, góp công. Ngày lễ tết, năm nào không mất mùa, dân làng Đồng Râm cũng đều tổ chức bữa tiệc chung, rồi vận động quỹ đến thăm, động viên, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn tại làng. Từ những món quà nhỏ ấy, đã có nhiều hộ tự tin đứng trên đôi chân của mình mà vượt cảnh đói nghèo.

Trưa, tôi trở ra từ làng. Hoa nắng vẫn rực thắm dưới những khóm cây hình đan xen vòm mái, dọc đường về Đồng Râm. Những phụ nữ vùng cao ngồi bên góc nhà, truyền chỉ nhau cách dệt thổ cẩm truyền thống. Con suối hiền hòa bọc quanh ngôi làng nhỏ, là ranh giới, giữa những ngôi nhà với đồng lúa nước xanh ngát trải rộng tận phía chân núi ngàn xa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

NGƯỜI PHÁT NGÔN

Họ tên: Nguyễn Văn A

Chức vụ: Chủ tịch UBND

Số điện thoại: 0123456789

Email: phanvana@gmail.com

THỐNG KÊ TRUY CẬP

  • Đang truy cập 1
  • Hôm nay 160
  • Tháng hiện tại 2,817
  • Tổng lượt truy cập 37,750
tổng hợp 1
tổng hợp 2
tổng hợp 3
tổng hợp 4
tổng hợp 5
tổng hợp 6

VIDEO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây